Một số vấn đề liên quan đến Luật trí tuệ nhân tạo của EU

Thứ 2, Ngày 14 / 10 / 2024

Ngày 13/3/2024, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua Luật trí tuệ nhân tạo của EU, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới quản lý lĩnh vực công nghệ mới nổi và các hoạt động đầu tư có liên quan. Tiếp đó, ngày 21/5/2024, Hội đồng châu Âu (EC) đã chính thức phê duyệt Luật AI của EU, đạo luật mang tính đột phá này nhằm mục đích thống nhất các quy định về AI.

 

Đạo luật chủ chốt này tuân theo cách tiếp cận “dựa trên rủi ro”, nghĩa là rủi ro gây hại cho xã hội càng cao thì các quy định càng nghiêm ngặt. Đây là đạo luật đầu tiên thuộc loại này trên thế giới và có thể thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho quy định về AI. Luật mới này nhằm thúc đẩy sự phát triển và tiếp nhận các hệ thống AI an toàn và đáng tin cậy trên toàn thị trường chung của EU bởi cả các bên tư nhân và công cộng. Đồng thời, luật này nhằm mục đích đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của công dân EU và kích thích đầu tư và đổi mới về AI tại EU. Đạo luật AI chỉ áp dụng cho các lĩnh vực trong luật pháp EU và cung cấp các miễn trừ như đối với các hệ thống được sử dụng riêng cho mục đích quân sự và quốc phòng cũng như cho mục đích nghiên cứu.

Đạo luật tiên phong này sẽ tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, đồng thời bảo vệ các giá trị cốt lõi. AI đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta và nó cũng sẽ là một phần trong luật pháp của EU. Bắt đầu xây dựng từ năm 2021, Luật AI EU phân loại công nghệ theo mức độ rủi ro, từ “không thể chấp nhận” - đồng nghĩa với cấm phát hành, cho đến rủi ro mức độ cao, trung bình và thấp.

Một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Đức và Pháp, ủng hộ việc chính phủ các nước thành viên “tự điều chỉnh” biện pháp quản lý với doanh nghiệp AI, do lo quy định chặt chẽ quá mức có thể làm giảm sức cạnh tranh với các công ty Trung Quốc và Mỹ.

Trước đó, EU đưa vào thực thi đạo luật Thị trường Kỹ thuật số nhằm kiềm chế sức mạnh của các hãng khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple, Google, Amazon, Meta và Microsoft hay ByteDance của Trung Quốc. Theo đạo luật này, EU có thể trấn áp những hành vi bị coi là phản cạnh tranh, đồng thời bắt buộc các doanh nghiệp phải “cởi mở” hơn trong những lĩnh vực mà họ đang thống trị, để đưa đến nhiều lựa chọn hơn với người tiêu dùng. Những lo ngại này ngày càng gia tăng với sự bùng nổ của AI, dẫn đầu là các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft, Amazon, Google và nhà thiết kế chip Nvidia.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI), loại hình đã gây nhiều lo ngại cho công chúng toàn cầu trong hơn một năm qua, không thể tránh khỏi tầm ngắm của Luật AI. EU xếp loại hình này vào nhóm hệ thống trí tuệ nhân tạo đa chức năng (general-purpose AI). Theo đó, khi sử dụng bất kỳ nội dung được bảo hộ quyền tác giả nào, cần phải có sự cho phép của chủ sở hữu. Điều này gây ra nhiều tranh luận trái chiều trong xã hội.

Luật AI của EU nhằm kiểm soát các mối đe dọa từ công nghệ AI đối với nhân quyền, pháp quyền và dân chủ, đồng thời thúc đẩy EU trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này. EU đã ban hành một hệ thống quy định toàn diện, đặc biệt liên quan đến các yếu tố sinh trắc học. Đạo luật này cấm các ứng dụng AI đe dọa quyền công dân, như hệ thống phân loại dựa trên đặc điểm nhạy cảm như chủng tộc, đảng phái, quan điểm chính trị, tôn giáo, khuynh hướng tính dục, ngoại trừ trong một số trường hợp thực thi pháp luật.

Các hành vi khác bị cấm bao gồm thu thập hình ảnh khuôn mặt không có chủ đích từ Internet hoặc camera an ninh để tạo cơ sở dữ liệu nhận dạng, hoặc sử dụng AI để chấm điểm, phân loại xã hội gây bất bình đẳng. Những ứng dụng AI liên quan đến cơ sở hạ tầng, giáo dục, dịch vụ công, y tế, ngân hàng có thể bị xem là nguy hiểm cao độ, và phải có báo cáo minh bạch, lưu trữ lịch sử sử dụng, cùng cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại phù hợp. Công nghệ deepfakes cũng cần được dán nhãn công khai đến người dùng.

Generative AI đã không thể tránh khỏi sự quan tâm của luật này. Nhiều vụ kiện đã nổ ra giữa các nền tảng AI và chủ sở hữu quyền tác giả, điển hình là vụ kiện của New York Times chống lại Microsoft và OpenAI liên quan đến ChatGPT. Các nhà phát triển AI khẳng định rằng việc sử dụng các tác phẩm được bảo hộ bản quyền là hợp lý, nhưng EU yêu cầu phải có sự cho phép của chủ sở hữu, ngoại trừ một số trường hợp khai phá văn bản và dữ liệu vì mục đích nghiên cứu khoa học. Điều này có thể khiến các hệ thống AI đa chức năng phải tuân thủ nghiêm ngặt luật bản quyền của EU và công bố chi tiết nội dung sử dụng cho việc huấn luyện AI.

Người phát ngôn của Amazon tuyên bố ủng hộ đạo luật và cam kết hợp tác với EU để phát triển công nghệ AI an toàn, bảo mật và có trách nhiệm. Trong khi đó, Meta lo ngại rằng sự can thiệp quá mức sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng đổi mới sáng tạo ở châu Âu. Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông châu Âu (CCIA) cho rằng đạo luật này được thông qua quá vội vàng và áp đặt các nghĩa vụ nghiêm ngặt lên nhà phát triển AI, có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

Tác động của AI lên nền kinh tế và xã hội toàn cầu là không thể phủ nhận, và việc luật hóa AI là điều tất yếu.

Nguồn: https://www.vista.gov.vn/

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Một số vấn đề liên quan đến Luật trí tuệ nhân tạo của EU ::.