Dấu ấn hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện

Thứ 4, Ngày 07 / 05 / 2025

Dấu ấn hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện

 Những năm qua, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tích cực triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH và CN), mô hình sản xuất cấp cơ sở có tính ứng dụng cao trong sản xuất và đời sống. Qua đó hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.
Mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm các giống ngô nếp TBM18, LVN10 và Ngân Điện 98 tại huyện Ý Yên.
Mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm các giống ngô nếp TBM18, LVN10 và Ngân Điện 98 tại huyện Ý Yên.

Để thúc đẩy hoạt động KH và CN tại địa phương, các huyện, thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KH và CN đồng bộ, linh hoạt, kết hợp các nền tảng số và các kênh truyền thống như phát thanh, truyền hình, đào tạo trực tiếp; phối hợp hiệu quả với Sở KH và CN nâng cao nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp và người dân về vai trò thiết yếu của KH và CN trong đời sống, sản xuất. 

Các mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN, đề tài nghiên cứu khoa học của các huyện, thành phố được thực hiện theo hướng tập trung, trọng tâm vào các vấn đề phát sinh tại địa phương. Huyện Ý Yên là điểm sáng với mô hình các HTX, các hộ nông dân kết hợp với doanh nghiệp, viện nghiên cứu khảo nghiệm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa, giống ngô có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt như: liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất lúa Bắc Thơm 7; liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) khảo nghiệm giống lạc L32; liên kết với Công ty TNHH Minh Dương sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau sạch VietGAP… Việc ứng dụng kỹ thuật mạ khay - máy cấy, thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân Ý Yên giảm công lao động, chi phí và tăng năng suất cây trồng. Huyện Nghĩa Hưng thành công với các mô hình ứng dụng “chợ 4.0”, “tuyến đường thanh toán không sử dụng tiền mặt”, góp phần xây dựng các công dân số thúc đẩy xã hội số, kinh tế số trên địa bàn phát triển. Thành phố Nam Định đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, đô thị thông minh với việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số điện tử, phần mềm quản lý cán bộ công chức, cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ hành chính công, thực hiện việc trả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng văn bản điện tử và thanh toán trực tuyến… 

Hướng đến mục tiêu thúc đẩy sức cạnh tranh,  nâng cao giá trị của các đặc sản địa phương, góp phần phát triển quy mô sản xuất, thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương nhiều huyện đã tích cực xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản - truyền thống của địa phương gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, tên địa danh. Ngoài 2 sản phẩm “Tơ lụa Cổ Chất”, “Nếp Bắc Nghĩa Bình” đang được hỗ trợ xây dựng, một số sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: “Mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy”, “Nước mắm Giao Châu”, “Cơ khí Xuân Tiến”, “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”, “Đồ gỗ La Xuyên”, “Rượu nếp Yên Phú”, “Bánh nhãn Hải Hậu”, “Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu”, “Hội sinh vật cảnh Vị Khê”, “Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên” tiếp tục được quan tâm và phát triển. Việc hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP cũng được quan tâm thúc đẩy qua việc tích cực động viên, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng tốt, có tiềm năng giá trị thương mại tốt... tiến hành xây dựng tiêu chuẩn, đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, chuẩn hóa các khâu theo chuỗi giá trị của sản phẩm dịch vụ... Thông qua đó, giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được nâng cao.

Năm 2024, toàn tỉnh đã có hơn 3.200 sáng kiến cấp huyện, tập trung ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo và cải cách hành chính. 100% các huyện, thành phố có sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng ở phạm vi cấp tỉnh, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước ở cơ sở. Các địa phương cũng chú trọng phối hợp chặt chẽ với Sở KH và CN thực hiện công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân. Tất cả các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ đều tuân thủ các quy định về kiểm định thiết bị, kiểm xạ định kỳ và bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn cho người vận hành và cộng đồng dân cư. Trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, các huyện, thành phố chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp kiểm tra gần 2.600 cơ sở kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa và đã xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 1,1 tỷ đồng. Việc kiểm soát hàng hóa, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tăng cường, nhất là vào các thời điểm cao điểm như lễ, tết.

Các địa phương đã sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí sự nghiệp KH và CN, ưu tiên cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Cơ cấu sử dụng hợp lý, có trọng tâm đã giúp phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn đầu tư, tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Hoạt động KH và CN cấp huyện đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn và phục vụ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp với tinh thần khoa học phải vì cuộc sống, phục vụ phát triển bền vững; đặt nền tảng vững chắc cho công tác tổ chức hoạt động KH và CN ở cơ sở trong các mô hình tổ chức mới trong thời gian tới nhằm đưa KH và CN đi sâu vào đời sống, xã hội.

Nguồn: https://baonamdinh.vn/

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Dấu ấn hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện ::.