Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Nam Định trong thời kỳ mới, cơ hội và thách thức

Thứ 2, Ngày 19 / 05 / 2025

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Nam Định trong thời kỳ mới, cơ hội và thách thức

 

Trong suốt lịch sử phát triển của Đất nước, Đảng ta đã luôn xác định được tầm quan trọng của việc phát triển khoa học (KH) và công nghệ (CN) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển đất nước giàu mạnh. Những nghị quyết, chỉ thị của Đảng ta qua các thời kỳ đã minh chứng rất rõ điều này. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH, CN, ĐMST&CĐS) đóng vai trò ngày càng quan trọng và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Hiện nay, tình hình thế giới được đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Trên thế giới, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu; công nghệ số trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội. Đảng ta nhận định: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”. Chính vì vậy việc phát triển KH, CN, ĐMST và Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng. Quan điểm này được cụ thể hoá trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nhấn mạnh: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”.

Trong thời gian vừa qua, KH, CN, ĐMST&CĐS trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

Sở KH&CN đã tập trung đề xuất, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Chính phủ về KH, CN, ĐMST&CĐS; tham mưu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ KH và CN; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống; lấy doanh nghiệp là trung tâm, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh các các sản phẩm địa phương; từng bước hình thành thị trường công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh tới cơ sở kết hợp với tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh;

Năm 2024, Chỉ số chuyển đổi số (DTI Index) Nam Định xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng toàn quốc; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; Ở lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp của tỉnh nằm trong tốp 10 toàn quốc; thương mại điện tử chiếm 9% tổng mức bán lẻ, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; Nam Định cũng là tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối và khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư, với hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử được kích hoạt… Đặc biệt, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 6/4/2025, Bộ Nội vụ công bố kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính, Nam Định xếp thứ nhất toàn quốc về Chính quyền điện tử, chính quyền số, xếp thứ nhất về dịch vụ công trực tuyến toàn trình năm 2024.

Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng hoạt động KH, CN, ĐMST&CĐS tỉnh Nam Định vẫn đối mặt với một số thách thức. Khoảng cách phát triển của tỉnh vẫn khá xa so với các tỉnh có điều kiện địa lý tương đồng trong toàn quốc. Chưa có nhiều công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học, công nghệ đưa vào sản xuất và thương mại. Số lượng sáng chế được đăng ký và áp dụng hàng năm thấp. Chưa làm chủ được nhiều công nghệ lõi, công nghệ chiến lược quan trọng​. Năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế: phần lớn doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn và nhân lực để nghiên cứu và phát triển KH, CN, ĐMST&CĐS dẫn đến hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thấp, năng suất chưa cao; Tỷ trọng kinh tế số và công nghiệp công nghệ trong GDP còn khá khiêm tốn. Do đó cần phải đẩy mạnh nâng cao năng suất thông qua ứng dụng công nghệ cao và đổi mới mô hình quản trị, tăng tốc độ chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực (Chính phủ đặt mục tiêu rất cao: đến năm 2030, kinh tế số phải chiếm tối thiểu 30% GDP). Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một thách thức đối với việc phát triển KH, CN, ĐMST&CĐS.

Mặt khác, thể chế và môi trường pháp lý cho hoạt động ĐMST vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Nhiều mô hình, sản phẩm công nghệ mới chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp e ngại thử nghiệm do rủi ro pháp lý​. Thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học còn phức tạp, cơ chế tài chính cho quỹ khoa học chưa linh hoạt, gây khó khăn cho các nhà khoa học. Nhận thức xã hội về chuyển đổi số và sáng tạo đổi mới tuy có cải thiện nhưng chưa đồng đều; không ít cơ quan, doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng đúng mức việc đầu tư cho công nghệ. Tất cả những hạn chế này đặt ra yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải quyết liệt cải cách trên nhiều phương diện, từ giáo dục đào tạo, chính sách thu hút nhân tài, đến hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy sáng tạo.

Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã tập trung tham mưu Đảng và Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm tháo gỡ những bất cập, tạo động lực cho bước phát triển mới của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều Chủ trương, chính sách đã được ban hành như: Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 193/2025/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH, CN, ĐMST&CĐS quốc gia; Nghị định 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 của Chính phủ hướng dẫn Nghị quyết 193/2025/QH15 và nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định, Chương trình, Kế hoạch,…  của các cấp Uỷ Đảng, Chính quyền ban hành để triển khai thực hiện.  Ngoài ra, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đang được lấy ý kiến hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Như vậy có thể nói nền tảng pháp lý để phát triển KH, CN, ĐMST&CĐS đã và đang được xây dựng vững chắc, sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản về thể chế, tạo ra môi trường thuận lợi để khơi dậy, giải phóng, thu hút, phát huy, khai thác mọi nguồn lực đầu tư, khuyến khích các tổ chức cá nhân nghiên cứu phát triển, chuyển giao ứng dụng thành tựu KH&CN.

Đứng trước các cơ hội và thách thức, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Sở KH&CN đã và đang tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển KH, CN, ĐMST&CĐS trong thời gian tới. Năm 2025 trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

(1)Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số sâu rộng đến tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó từng bước tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.

(2) Tập trung thực hiện công tác xác định danh mục nhiệm vụ năm 2026 bám sát định hướng phát triển KT-XH theo hướng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo hộ sở hữu trí tuệ và sức cạnh tranh cho các sản phẩm và dịch vụ của tỉnh; Ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng có tính cấp thiết, thiết thực với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Các nghiên cứu phát triển các nhiệm vụ đổi mới công nghệ; các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thế mạnh của địa phương, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của từng huyện/thành phố trong đó chú trọng: công nghệ cao, kinh tế xanh, công nghệ chế biến, kinh tế biển, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn kiểu mẫu và đô thị thông minh.

(3) Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tiến trình thực hiện chuyển đổi số tỉnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số của sở, ngành, địa phương.Tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt tỷ lệ: 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến, trong đó tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến toàn trình đạt khoảng 80%.

(4) Tiếp tục hoàn thành việc chuẩn hóa các nhóm dữ liệu đảm bảo kết nối, chia sẻ, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Hoàn thành việc xây dựng Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định phục vụ việc số hóa dữ liệu, tạo lập các cơ sở dữ liệu và khai phá tiềm năng của dữ liệu số, sử dụng hiệu quả dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh;

(5) Hoàn thành việc xây dựng Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định phục vụ việc Cung cấp dữ liệu mở thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị mới, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tổ chức triển khai quyết liệt việc thực hiện Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh về ban hành Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030, theo đó hết năm 2025 mỗi đơn vị thực hiện số hóa, tạo lập ít nhất 01 bộ cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối với Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định và Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định.

(6)  Hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định, nhằm đảm bảo hạ tầng máy chủ phục vụ việc cài đặt, vận hành các phần mềm, hệ thống thông tin,cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành. Đồng thời chuẩn bị sẵn hạ tầng để sẵn sàng ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây Chính phủ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT), Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động,... để nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ.

(7) Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2030. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc tế và các phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Nam Định nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh.

(8) Tìm hiểu nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết nối với bên cung công nghệ, hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

(9) Hỗ trợ tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật; hỗ trợ việc áp dụng và chuyển giao sáng chế nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất;

(10) Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 31/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn đo lường chấtlượng quốc gia đến 2030 và những năm tiếp theo. Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tổ chức/cá nhân áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá, đảm bảo đo lường, truy xuất nguồn gốc và tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia.

Trước bối cảnh mới, nước ta đang có chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tạo ra động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được thực hiện mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nền tảng quan trọng để quản trị quốc gia. Để thực sự vươn mình, phát triển nhanh chóng, bền vững hơn nữa, chúng ta cần tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng tạo động lực, nền tảng mới cho phát triển - cuộc cách mạng về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Cùng với đó, đổi mới tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao vai trò khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững đất nước./.


TS. VŨ TRỌNG QUẾ
Giám đốc sở KH&CN

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Nam Định trong thời kỳ mới, cơ hội và thách thức ::.