Thừa Thiên Huế: Kết quả cải cách hành chính năm 2024

Thứ 3, Ngày 31 / 12 / 2024

Thừa Thiên Huế: Kết quả cải cách hành chính năm 2024

 Theo Báo cáo số 627/BC-UBND ngày 20/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực với những kết quả chính, nổi bật như sau:

Công tác chỉ đạo, điều hành

Trong năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với nhiều hoạt động và kết quả nổi bật. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch và chỉ thị về CCHC gắn với chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh. Bên cạnh đó,  UBND tỉnh cũng đã công bố kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC năm 2023, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và công tác thi đua, khen thưởng. Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành 31/34 nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC năm 2024 và thực hiện 172 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác kiểm tra CCHC được tiến hành chặt chẽ, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các cơ quan, đơn vị. Tỉnh cũng đã tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền CCHC thông qua nhiều hình thức đa dạng như lồng ghép nội dung vào chương trình tập huấn, đối thoại trực tuyến và ứng dụng mạng xã hội. Kết quả Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC cho thấy sự tham gia tích cực của 214 cơ quan, đơn vị với hơn 107.737 lượt người tham gia dự thi, tăng so với năm 2023.

Về cải cách thể chế

Công tác ban hành văn bản QPPL tiếp tục được chú trọng quan tâm chỉ đạo, đảm bảo tính kịp thời và nâng cao về chất lượng. Đến nay, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành 125 văn bản QPPL; trong đó có 31 nghị quyết của HĐND tỉnh và 94 quyết định của UBND tỉnh. Tại cấp huyện, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế ban hành 23 văn bản QPPL; các xã, phường, thị trấn ban hành 69 văn bản QPPL. Sở Tư pháp đã tham gia góp ý 332 dự thảo văn bản do các cơ quan trung ương và các cơ quan tại địa phương trưng cầu, trong đó có 203 dự thảo văn bản QPPL đảm bảo thời gian và chất lượng góp ý; tiếp nhận và thực hiện thẩm định 173 dự thảo văn bản QPPL do các ngành gửi đến đúng tiến độ. Triển khai Kế hoạch số 391/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 89/89 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành và thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 23 văn bản QPPL do HĐND, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế gửi đến. Qua tự kiểm tra và kiểm tra, các văn bản QPPL không có dấu hiệu trái pháp luật. Tổ chức 04 Đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra 106 văn bản QPPL và ban hành 04 Kết luận kiểm tra văn bản QPPL do HĐND, UBND các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và thành phố Huế ban hành; sau khi nhận kết luận kiểm tra HĐND, UBND các huyện và thành phố Huế đã tiến hành xử lý các kiến nghị theo các Kết luận của các Đoàn Kiểm tra.

    

Về cải cách thủ tục hành chính

Qua rà soát, tổng số TTHC kiến nghị phương án đơn giản hóa gồm 62 TTHC thuộc 11 lĩnh vực, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương bổ sung, sửa đổi 14 văn bản QPPL liên quan. Lợi ích tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC: 11.322.000 đồng/năm và tỷ lệ cắt giảm chi phí 42%. UBND tỉnh đã công bố 1,117 TTHC và bãi bỏ 176 TTHC, đảm bảo cập nhật và công khai TTHC trên CSDL quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 2,071 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với 100% TTHC đủ điều kiện được tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa các cấp. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt 759 quy trình nội bộ để cấu hình điện tử giải quyết TTHC, đảm bảo 100% quy trình điện tử được thiết lập trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về cải cách tổ chức bộ máy

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 32 cơ quan, đơn vị; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của 06 cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định sửa đổi một số điều, khoản quy định về số lượng Phó Giám đốc Sở và tương đương tại các Quyết định của UBND tỉnh. Trong năm 2024, tỉnh đã giao 1,951 biên chế công chức cho các cơ quan hành chính cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế. Hiện có 1.895 biên chế công chức, giảm 48 biên chế so với năm 2023, đạt tỷ lệ giảm 2.47%. Tỉnh cũng giao 22.531 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập và các hội có tính chất đặc thù. Tổng số người làm việc có mặt trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 22,056 người, giảm 988 người so với năm 2023, đạt tỷ lệ giảm 4.29%.

Về cải cách chế độ công vụ

Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh gồm 22 Sở ban ngành, 15 Chi cục và tương đương và 09 đơn vị UBND cấp huyện và 128 đơn vị sự nghiệp công lập (11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; 117 đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan chuyên môn). UBND cấp huyện cũng đã hoàn thành phê duyệt 556 đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý (đạt tỷ lệ 100%). Việc tuyển dụng, quản lý, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ, công chức được thực hiện có nề nếp, đảm bảo dân chủ, công khai và phát huy được tính chủ động của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ, công chức lãnh đạo, viên chức quản lý theo nguyên tắc cạnh tranh. Trong năm 2024, triển khai Quyết định số 1699/QĐ-UBND ngày 24/6/2024 về việc ban hành Kế hoạch tuyển dụng công chức năm 2024, UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng công chức trong tháng 7 năm 2024. Kết quả tuyển dụng có 16 công chức trúng tuyển năm 2024.

Về cải cách tài chính công

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã công bố công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó công khai rõ tổng nguồn thu, nguồn chi, chi tiết các nguồn thu và chi trong năm 2023 và công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có ban hành quy chế chi tiêu nội bộ (100% đơn vị), thông qua kinh phí năm 2024 tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đầu năm. Nhằm tập trung cho công tác quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị nhằm đẩy nhanh công tác quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm nhằm tăng cường chấp hành kỷ luật, kỷ cương về tài chính – ngân sách. Tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh: 11.145.304 triệu đồng (đến ngày 06/12/2024), bằng 94,5% so với dự toán và đạt 120,9% so với cùng kỳ năm trước. Chi cân đối ngân sách 11 tháng đạt 11.387.742 triệu đồng, đạt 75% so với dự toán.

Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Hạ tầng hệ thống máy chủ và ứng dụng được vận hành ổn định 24/7. Mạng diện rộng MetroNet đã kết nối 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các giải pháp bảo mật và phòng chống mã độc đã được triển khai cho các trung tâm dữ liệu và hệ thống mạng. UBND tỉnh đã xây dựng nhiều nền tảng số, như Nền tảng Báo cáo số, Nền tảng Số hóa, Nền tảng làm việc số và Nền tảng Quản lý bản đồ GIS. Các nền tảng này giúp tích hợp và quản lý dữ liệu, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ hiệu quả. Các dữ liệu đã được số hóa và chuẩn hóa để phục vụ triển khai chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai cho 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, áp dụng chữ ký số và liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia. Thư điện tử đã được cấp cho 14.970 cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin./.

Nguồn: http://caicachhanhchinh.gov.vn/

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Thừa Thiên Huế: Kết quả cải cách hành chính năm 2024 ::.