Ninh Bình: Kết quả cải cách hành chính năm 2024

Thứ 3, Ngày 31 / 12 / 2024

Ninh Bình: Kết quả cải cách hành chính năm 2024

 Với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm”, đến nay, tỉnh đã hoàn thành 40/40 nhiệm vụ, đạt 100% Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024. Điểm sáng này được thể hiện rõ qua Báo cáo số 272/BC-UBND ngày 19/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về tình hình và kết quả công tác cải cách hành chính năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau:

 

Về Công tác chỉ đạo, điều hành

Năm 2024, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trên cả 06 lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tỉnh đã ban hành 262 văn bản chỉ đạo CCHC và tổ chức đối thoại của lãnh đạo với người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC được tỉnh quan tâm, chú trọng, một số chương trình nổi bật như: Nâng cao chất lượng cải cách hành chính; tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC); nỗ lực mang tiện ích đến cho người dân; Ninh Bình nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC; cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân; cải cách hành chính - nhìn từ các chỉ số; từng bước số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; nỗ lực xây dựng chính quyền phục vụ.

Về cải cách thể chế

Để thực hiện tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã ban hành 124 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), kiểm tra theo thẩm quyền 11 VBQPPL do cấp huyện ban hành, rà soát 48 VBQPPL thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, tỷ lệ xử lý VBQPPL sau rà soát đạt 100%. Tỉnh đã công bố danh mục VB QPPL hết hiệu lực năm 2023; công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPL do Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành kỳ 2019 - 2023.

Về cải cách thủ tục hành chính

Đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại tỉnh là 1.892 TTHC. Thực hiện đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 17 TTHC; bãi bỏ, thay thế 862 TTHC. Tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,92%. Trong năm 2024, tỉnh đã tiếp nhận 18 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của công dân về quy định TTHC, đến nay, có 18 PAKN đã được các cơ quan có liên quan trả lời, xử lý theo quy định, đạt tỷ lệ 100%.

Về cải cách tổ chức bộ máy

UBND tỉnh đã tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). 100% sở, ngành, UBND cấp huyện đã hoàn thành việc sắp xếp các phòng chuyên  môn đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Toàn tỉnh hiện nay có 592 đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập trong đó tỉnh đã thực hiện cắt giảm 11,98% ĐVSN công lập so với năm 2015. Tỷ lệ phần trăm biên chế công chức đã tinh giản so với năm 2015 đạt 10,31%; tỷ lệ % số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã tinh giản so với năm 2015 đạt 10,69%.

Về cải cách chế độ công vụ

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 28 cơ quan, tổ chức hành chính, 592 đơn vị sự nghiệp. Trong năm, tỉnh đã thực hiện tuyển dụng 10 công chức, 219 viên chức vào làm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh.

Về cải cách tài chính công

UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên, cơ cấu lại, tăng chi cho đầu tư phát triển trong việc sử dụng tài chính công. Đến nay, tỷ lệ thực hiện Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đạt 68,2%. Toàn tỉnh hiện nay có 592 ĐVSN công lập, trong đó có 32 ĐVSN tự bảo đảm chi thường xuyên; 102 ĐVSN tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 458 ĐVSN do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; 3 ĐVSN đã chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Năm 2024, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 03/4/2024 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024 - 2025. 98% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; 99% TTHC cung cấp trực tuyến đã tích hợp, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến đạt 79%./.

Nguồn: http://caicachhanhchinh.gov.vn/

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Ninh Bình: Kết quả cải cách hành chính năm 2024 ::.