Lai Châu: Kết quả cải cách hành chính năm 2024
Năm 2024, công tác cải cách hành chính tại tỉnh Lai Châu tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng chính quyền số hiện đại, minh bạch. Các nỗ lực cải cách đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số nét nổi bật trong công tác cải cách hành chính của tỉnh như sau:
Công tác chỉ đạo, điều hành
Trong năm 2024, UBND tỉnh Lai Châu đã hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) với 32 nhiệm vụ và 45 hoạt động. UBND tỉnh đã ban hành hơn 40 văn bản chỉ đạo và các sở, ngành, địa phương đã ban hành 319 văn bản chỉ đạo CCHC. Công tác kiểm tra CCHC đã được thực hiện tại 13 cơ quan, đơn vị, địa phương và các sở, ngành đã kiểm tra 115 phòng, ban trực thuộc. Công tác tuyên truyền CCHC được đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin trên đài truyền hình, báo chí, cổng thông tin điện tử và mạng xã hội. UBND tỉnh đã hoàn thành công tác tự chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023. Chỉ số CCHC tỉnh Lai Châu năm 2023 đạt 85,78 điểm, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố, và Chỉ số hài lòng đạt 79,82%, xếp thứ 50/63. Trong năm, tỉnh đã thực hiện 209 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thành 28 nhiệm vụ đúng hạn và đang thực hiện 179 nhiệm vụ trong hạn.
Về cải cách thể chế
Trong năm 2024, tỉnh Lai Châu đã ban hành 80 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cấp tỉnh và 24 văn bản QPPL cấp huyện. 100% văn bản QPPL được thẩm định trước khi ban hành và đăng tải lên Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật, đảm bảo tính công khai và minh bạch. UBND tỉnh đã triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm và tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành về xử lý vi phạm hành chính. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đẩy mạnh với các cuộc thi trực tuyến và gần 5.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 400.000 lượt người tham gia. UBND tỉnh cũng đã thực hiện kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL, đảm bảo các văn bản ban hành đúng thẩm quyền và phù hợp với quy định.
Về cải cách thủ tục hành chính
Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt thông qua phương án đơn giản hóa của 24 TTHC (năm 2023 là 31 TTHC), tiết kiệm 7.361 triệu đồng (năm 2023 tiết kiệm được 7.956 triệu đồng), tỷ lệ chi phí tiết kiệm sau khi đơn giản hóa trung bình đạt 36,37%, tỷ lệ thời gian cắt giảm trung bình đạt 48,19% (năm 2023 đạt trên 31,8%). Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 105 Quyết định công bố Danh mục thủ tục hành ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh với 1.044 Danh mục thủ tục hành chính. Tính đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh có 2.046 TTHC (bao gồm cả TTHC của cơ quan ngành dọc), trong đó cấp tỉnh 1.612 TTHC, cấp huyện 303 TTHC, cấp xã 131 TTHC.
Về cải cách tổ chức bộ máy
Đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh sắp xếp giảm 275 tổ chức, đơn vị so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy hoàn thành và vượt so với mục tiêu Nghị quyết số 18,19-NQ/TW đề ra, sắp xếp giảm 166 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thuộc Sở, thuộc Chi cục, thuộc UBND cấp huyện đạt 27,75% so với năm 2015, vượt 17,75% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đến năm 2021 và vượt 7,75% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đến năm 2025. Đến năm 2024, toàn tỉnh đã giảm 76 biên chế công chức, đạt 4,06%/tổng số 5%; 1.136 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đạt 7,33%/ tổng số 10% so với năm 2021, đảm bảo theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế cho 28 người (công chức 06, viên chức 17; cán bộ, công chức cấp xã 04; người làm việc trong các tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ 01) nâng tổng số tinh giản biên chế lên 694 người.
Về cải cách chế độ công vụ
Năm 2024, tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và viên chức. Công tác tuyển dụng được thực hiện công khai, minh bạch, với 23 công chức và 103 viên chức được tuyển dụng, cùng với 34 công chức và 02 viên chức được tiếp nhận qua Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Việc bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử cũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, với 37 công chức, viên chức được bổ nhiệm, điều động và bổ nhiệm lại. UBND tỉnh đã tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức và xét thăng hạng cho 147 viên chức, đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm, với nhiều lớp đào tạo và bồi dưỡng, cùng với chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao. Trong năm, tỉnh đã cử nhiều công chức đi đào tạo và thu hút được 01 công chức là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Về cải cách tài chính công
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Tổng thu ngân sách địa phương là: 13.514.258 triệu đồng, tăng 28% so với dự toán TW giao, tăng 26% so với dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu NSNN trên địa bàn là 2.383.416 triệu đồng, tăng 13% so với dự toán TW giao và tăng 7% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp tục chỉ đạo việc thanh lý tài sản công của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đến thời điểm báo cáo, tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp cho 2.933 cơ sở nhà đất, đạt 99,5% số cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh, tăng 516 cơ sở (17,5%) so với năm 2023 (số cơ sở nhà đất đã sắp xếp đến hết năm 2023 là 2.417 cơ sở, đạt 82% số cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh). Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến thời điểm báo cáo, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 429 đơn vị (không bao gồm các đơn vị thuộc khối đảng quản lý).
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Hạ tầng mạng số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% các sở, ban, ngành và UBND các cấp. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai đến 193 điểm cầu, và 100% cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên có mạng LAN và kết nối Internet cáp quang. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đã hoàn thiện và kết nối với 13 hệ thống thông tin, đảm bảo liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong tỉnh và với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) chính thức hoạt động từ tháng 10/2024, hỗ trợ đắc lực cho các cấp lãnh đạo trong việc ra quyết định chỉ đạo. UBND tỉnh cung cấp 2.055 dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3 đạt 83,6% và mức độ 4 đạt 88,6%. Các ứng dụng và dịch vụ như cổng thông tin điện tử, fanpage, và hệ thống OA trên Zalo đã hoạt động ổn định, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và doanh nghiệp./.
Nguồn: http://caicachhanhchinh.gov.vn/