Bình Định: Công tác Cải cách hành chính năm 2024
Với những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2024. Báo cáo số 245/BC-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định về kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2024 đã thể hiện những kết quả nổi bật, những sáng kiến mới và phương hướng phát triển trong thời gian tới, góp phần khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả, cụ thể:
Công tác chỉ đạo, điều hành
Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trên lĩnh vực CCHC, trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, chuyển đổi số. Đến ngày 14/12/2024, đã hoàn thành 30/30 nhiệm vụ đề ra.Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành 50 văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra đối với 05 cơ quan thuộc UBND tỉnh(đạt 100% so với Kế hoạch), 06 UBND cấp huyện và 20 xã, thị trấn (đạt 100% so với Kế hoạch); kiểm tra công vụ đối với 72 xã, phường, thị trấn…
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tỉnh Bình Định năm 2023 đạt 87,29%; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 (SIPAS) đạt 83,73%.
Cải cách thể chế
Trong năm 2024, HĐND, UBND các cấp ban hành 233 VBQPPL; trong đó, HĐND, UBND tỉnh ban hành 122 văn bản; HĐND, UBND cấp huyện ban hành 56 văn bản; HĐND, UBND cấp xã ban hành 55 văn bản.
Năm 2024, đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 56/56 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Qua kiểm tra, chưa phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền; HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 129 văn bản.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá 30 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 15 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh năm 2024. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông qua phương án đơn giản hóa 30 TTHC (đạt 100% so với Kế hoạch), trong đó, giảm thời gian giải quyết đối với 22 TTHC và đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 08 TTHC, với số tiền tiết kiệm được sau khi đơn giản hóa 30 TTHC ước tính hơn 2 tỷ đồng/năm.
Năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận 554.439 hồ sơ; trong đó, đã giải quyết và trả kết quả 542.581 hồ sơ (503.742 hồ sơ trước hạn, 38.014 hồ sơ đúng hạn, 825 hồ sơ trễ hạn), đang giải quyết 11.858 hồ sơ (trong hạn 11.845 hồ sơ và quá hạn 13 hồ sơ). Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,84%.
Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước
UBND Tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, đồng thời chú trọng đến công tác đào tạo và bồi dưỡng. Đến nay, tỉnh đã thực hiện tinh giản 43 biên chế công chức so năm 2021 (2.205 biên chế), tỷ lệ 1.95%/5%; giảm 1.623 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 (27.020 người làm việc), tỷ lệ 6%/10%; giải quyết chính sách tinh giản biên chế đối với 54 cán bộ, công chức, viên chức với tổng số kinh phí là 10.544.213.000 đồng.
Cải cách chế độ công vụ
UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của 22/22 cơ quan hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và 11/11 huyện, thị xã, thành phố, với số lượng là 2.611 vị trí việc làm; phê duyệt 100% Đề án vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập, với số lượng là 7.441 vị trí việc làm; 39/39 cơ quan, đơn vị, địa phương (28/28 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 11/11 UBND cấp huyện)
Đến thời điểm báo cáo, 100% hồ sơ (32.152 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Định) được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ.
Cải cách tài chính công
Cải cách tài chính công được duy trì với cơ chế tự chủ về tài chính tại các cơ quan, đơn vị. Việc quản lý và sử dụng tài sản công được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả sử dụng. Năm 2024, ước thực hiện năm 2024 là 15.615 tỷ đồng, vượt 7,8% so với dự toán, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 14.759,3 tỷ đồng, vượt 7,3% so với dự toán năm, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, ước thực hiện thu nội địa là 7.727 tỷ đồng, đạt 96,9% so với dự toán năm, tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số
Các hệ thống phần mềm dùng chung được triển khai, ứng dụng hiệu quả trong công tác phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh như: Cổng thông tin điện tử; Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Quản lý lịch công tác; Cổng Dịch vụ công của tỉnh; Phần mềm họp không giấy. Đến nay, đạt tỷ lệ 50% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên địa bàn tỉnh; 100% chế độ báo cáo được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Đặc biệt, Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết TTHC trong năm 2024 của tỉnh Bình Định ở vị trí thứ hai toàn quốc (sau tỉnh Cà Mau)./.
Nguồn: http://caicachhanhchinh.gov.vn/