Vườn ươm khởi nghiệp công nghệ cho sinh viên Việt
Tại VinUni, sinh viên được gieo mầm tư duy khởi nghiệp ngay từ năm nhất, các ý tưởng được đánh giá cao sẽ nhận 2.000 USD thể thử nghiệm ươm tạo.

Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên năm hai Viện Khoa học và Kỹ thuật máy tính Đại học VinUni vừa được tài trợ 50.000 USD từ NEAR Foundation - một quỹ đầu tư có trụ sở tại Thụy Sĩ - để thực hiện dự án blockchain giúp xác thực thông tin cá nhân.

Theo đại diện trường, không nhiều dự án mới ở giai đoạn ý tưởng được NEAR rót vốn. Hội đồng xét duyệt của NEAR đánh giá ý tưởng của nam sinh đến từ Việt Nam là "đặc biệt thiết thực và cấp thiết"

"Mục tiêu của em là thành lập công ty tại Singapore vào tháng 9 tới, gọi vốn 2 triệu USD cho vòng đầu tiên và định giá doanh nghiệp khoảng 20 triệu USD", Tuấn chia sẻ tham vọng bên lề "Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học" vừa diễn ra tại trường ĐH Vin Uni.

Tại VinUni, Minh Tuấn không phải là trường hợp cá biệt. Ngôi trường hai năm tuổi này hiện ươm tạo hàng chục dự án tiềm năng khác, ngoài các dự án khởi nghiệp còn có các dự án tạo nền tảng hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp.

anh tin bai

 Trần Tuấn Minh (bên trái) - sinh viên năm nhất của VinUni, đồng sáng lập tổ chức UpYouth giới thiệu về chương trình Vườn ươm khởi nghiệp công nghệ tại sự kiện TechYouth Startup Day 2022

Đơn cử như dự án UpYouth - nền tảng hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ do Nguyễn Tuấn Minh, sinh viên năm nhất Viện Kinh doanh quản trị VinUni, đồng sáng lập. Chỉ trong một năm, UpYouth đã hỗ trợ những người trẻ giàu khát vọng gọi vốn thành công 2,5 triệu USD. Đến nay, UpYouth đã có hơn 2.000 thành viên là sinh viên có khát vọng khởi nghiệp đến từ các đại học hàng đầu trong và ngoài nước.

Nhà sáng lập trẻ của UpYouth cho rằng lợi thế giúp các dự án của sinh viên ghi điểm với các quỹ đầu tư quốc tế nằm ở tư duy đột phá. Trước tiên các chủ dự án phải thực sự tư duy như doanh nhân, muốn tạo ra sản phẩm và thị trường thực sự chứ không chỉ viết dự án để dự thi. Thứ hai là phải tư duy như những gì thế giới đang tư duy. Các vấn đề mà sinh viên VinUni đang quan tâm, theo đuổi đều liên quan mật thiết tới các vấn đề toàn cầu như sự già hóa, xe tự hành, năng lượng sạch, nông nghiệp thông minh, sức khỏe thông minh...

Tiến sĩ Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp VinUni cho biết, ngay khi vừa vào trường, sinh viên năm nhất của trường đã được gieo mầm tư duy khởi nghiệp. Những sinh viên có ý tưởng sẽ được các cố vấn của trung tâm theo sát, hỗ trợ mỗi tuần để phát triển ý tưởng đó. Khi ý tưởng đã chín muồi, các sinh viên sẽ được cấp các khoản vốn nhỏ 2.000 USD một dự án để thử nghiệm ươm tạo. Những dự án triển vọng sẽ được lựa chọn vào vòng Tăng tốc với sự hỗ trợ nhiều hơn cùng nguồn kinh phí tài trợ có thể lên tới 10.000 USD một đội.

anh tin bai

 Tiến sĩ Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp của VinUni chia sẻ về chủ đề giáo dục khởi nghiệp tại Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học - Teaching and Learning Summit 2022 tại VinUni.

Tháng 6 này, trường sẽ khởi động mùa "ươm mầm" với khoảng 10 dự án khởi nghiệp, kéo dài 3 tháng.

"Các cố vấn của trung tâm đều là những doanh nhân, nhà quản lý thực chiến, có bản năng kinh doanh sắc bén. Sinh viên vốn có tố chất và bản lĩnh, lại gặp được thầy giỏi và có môi trường tốt, có hỗ trợ tài chính thì chắc chắn phát triển nhanh hơn và thành công sớm hơn", Tiến sĩ Linh Giang khẳng định.

Từ những trải nghiệm của bản thân, Tuấn Minh cho rằng sân chơi khởi nghiệp quốc tế không phải là đỉnh núi không thể vượt qua với các sinh viên, người trẻ Việt Nam. Hai "tượng đài" của giới công nghệ toàn cầu là Bill Gates, Mark Zuckerberg đều khởi nghiệp khi còn là sinh viên, ở độ tuổi 19, 20.

"Mấu chốt để vượt ra khỏi giới hạn là bản thân chúng ta đặt ra cho mình mục tiêu ra sao, muốn mình đạt tới mức nào. Để làm được lớn thì đầu tiên phải dám nghĩ lớn. Đây cũng là điều mà em học được khi vào VinUni", Tuấn Minh chia sẻ.

Dừng việc học tập tại một đại học danh giá của Mỹ để trở về Việt Nam học tại VinUni, Tuấn Minh khẳng định đó là lựa chọn đúng đắn. VinUni có mạng lưới hợp tác với các đại học quốc tế top đầu, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng chính sách hỗ trợ sinh viên. Bệ phóng này giúp các sinh viên thành công nhanh hơn và sớm hơn ở tầm quốc tế.

Chia sẻ trong khuôn khổ "Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học" lần thứ nhất, ông Khairul Rusydi, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Reactor School (Chương trình Giáo dục Doanh nhân hàng đầu Đông Nam Á của Singapore) cho rằng có sự khác biệt giữa "Giáo dục tinh thần khởi nghiệp" và "Giáo dục doanh nhân". "Giáo dục tinh thần khởi nghiệp" trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ về khởi nghiệp cho sinh viên. Trong khi đó, "Giáo dục doanh nhân" giúp sinh viên phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, kết hợp với các doanh nghiệp để tạo ra những dự án mang tính thương mại có thể đầu tư.

Theo Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni, tại VinUni, khởi nghiệp không chỉ là một môn học mà là một chuỗi các hoạt động mà đào tạo trên lớp chỉ là một cấu phần. Không phải sinh viên nào cũng có tố chất khởi nghiệp hoặc mong muốn trở thành doanh nhân, nhưng sinh viên nào cũng cần có tinh thần khởi nghiệp và tư duy làm chủ. Có nghĩa là biết nắm cơ hội, dám chấp nhận rủi ro, dám nghĩ dám làm, dám ra quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng về các quyết định của mình. Tinh thần này thì dù sinh viên có đi theo định hướng khoa học, nghiên cứu hay theo con đường doanh nhân, khởi nghiệp cũng đều cần được trang bị.

"Slogan của Vingroup là 'mãi mãi tinh thần khởi nghiệp'. Bản thân tập đoàn là một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới không ngừng. Chúng tôi mong muốn không chỉ truyền cảm hứng và ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên của VinUni mà còn khuyến khích sinh viên lan tỏa tinh thần này cho người trẻ, để cùng nhau phát triển", Tiến sĩ Lê Mai Lan khẳng định.

Nguồn: https://vnexpress.net/

"Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học" do trường ĐH VinUni khởi xướng tổ chức từ 17-18/6, tập trung vào đổi mới sáng tạo trong dạy và học với mục tiêu tái định vị vai trò của giáo dục Đại học trong thế kỷ 21. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cùng gần 400 nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục nổi tiếng đến từ các cơ sở giáo dục và các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước.



image advertisement


 

anh tin bai

anh tin bai
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định

Địa chỉ:  1A Trần Tế Xương, Tp Nam Định

Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định số 01/GP-TTĐT-STTTT ngày 05/2/2024

Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Hải Điền - Giám đốc sở KH&CN

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang