Xây dựng nền khoa học và công nghệ thực sự là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Thứ 2, Ngày 14 / 10 / 2024

Những năm qua, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH và CN trên địa bàn tỉnh được ngành KH và CN tỉnh triển khai ngày càng đi vào chiều sâu, có tính thực tiễn cao và là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Nhân Ngày KH và CN Việt Nam (18-5) và kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KH và CN tỉnh Nam Định, phóng viên (PV) Báo Nam Định đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Hải Điền, Giám đốc Sở KH và CN về vai trò của KH và CN trong phát triển KT-XH tỉnh trong thời gian qua, những định hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

 
 

PV: Từ Đại hội XII đến Đại hội XIII của Đảng đã nhất quán xác định vai trò của KH và CN đối với sự phát triển của đất nước, đó là “KH và CN thực sự là quốc sách hàng đầu”, “KH và CN là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”. Thực hiện chủ trương, định hướng này, xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của ngành KH và CN tỉnh Nam Định trong những năm qua?

Đồng chí Đỗ Hải Điền: Thời gian qua, Sở KH và CN đã tập trung đề xuất, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Chính phủ về KH và CN; tham mưu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ KH và CN; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất, đời sống; lấy doanh nghiệp là trung tâm, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm địa phương; từng bước hình thành thị trường công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh tới cơ sở kết hợp với tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, Sở KH và CN đã tham mưu quản lý và tổ chức thực hiện hơn 100 nhiệm vụ KH và CN trên địa bàn tỉnh; đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến gắn với liên kết chuỗi giá trị; hoàn thiện 18 quy trình công nghệ của lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất các giống lúa năng suất chất lượng cao. Ngoài ra, Sở đã tập trung vào các nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa, giáo dục và thu hút đầu tư, chăm sóc sức khỏe… Hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ tiếp tục được đẩy mạnh. Sở KH và CN đã tổ chức 15 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ cho gần 1.000 lượt đại biểu thuộc các đối tượng khác nhau; đã tư vấn, hướng dẫn gần 100 lượt doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển 5 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Tổ chức tốt công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân tại 66 cơ sở có sử dụng 117 thiết bị bức xạ - thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và 15 cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ.

Trong hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, Sở KH và CN đã thực hiện tiếp nhận công bố hợp chuẩn, hợp quy theo nhóm sản phẩm hàng hoá được phân công quản lý cho 100 sản phẩm khác nhau; tiếp nhận công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật cho hơn 50 sản phẩm; gần 200 sản phẩm đăng ký sử dụng mã số, mã vạch và hơn 200 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở... Tổ chức 27 đợt thanh tra, kiểm tra Nhà nước về đo lường tại 303 cơ sở; thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại 460 cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với 445 lô hàng hóa của 11 cơ sở. Tiếp nhận, xử lý 180 tranh chấp về sai số của phương tiện đo trong kinh doanh điện năng của các tổ chức, cá nhân. Phát hiện và xử lý đối với 71 phương tiện đo và 28 phép đo vi phạm về đo lường. Về phát triển thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo, ngành KH và CN đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 77/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2022 quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đã tiếp nhận và giải quyết hỗ trợ cho 172 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở KH và CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 20-12-2022 về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, kế hoạch đã được triển khai đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan; Sở đang triển khai xây dựng Quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Sở KH và CN đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ cho 47 lượt dự án đầu tư trong đó có các dự án có sử dụng công nghệ phức tạp góp phần hạn chế tình trạng sử dụng các công nghệ lạc hậu, công nghệ cấm chuyển giao và hệ thống thiết bị máy móc lỗi thời, lạc hậu trong các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa tình trạng nhập “rác công nghệ”, gây thiệt hại nhiều mặt cho KT-XH của tỉnh.

Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ).
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ).

PV: Để thực hiện hiệu quả các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về KH và CN, xin đồng chí cho biết các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành KH và CN trong thời gian tới?

Đồng chí Đỗ Hải Điền: Nhằm phát huy vai trò của KH và CN thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng, như một lực lượng sản xuất hiện đại để phát triển KT-XH, thời gian tới ngành KH và CN tỉnh tiếp tục tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Chính phủ về KH và CN, Chiến lược phát triển KH và CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tham mưu xây dựng, đề xuất các chương trình, nhiệm vụ KH và CN phục vụ thiết thực phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KH và CN và các lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường KH và CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo địa phương, trong đó có nội dung thành lập Quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tích cực tham gia phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH và CN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố và các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động KH và CN, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở cơ sở. Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ nguồn lực cho KH và CN và nâng cao tiềm lực KH và CN; hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ phát triển KH và CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở địa phương.

Năm nay, Ngày KH và CN Việt Nam (18-5) trùng với dịp kỷ niệm tròn 60 năm thành lập ngành KH và CN tỉnh Nam Định. Trong chặng đường 60 năm trưởng thành và phát triển, trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với sự cố gắng nỗ lực cao của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành KH và CN đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp công sức không nhỏ cho sự phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng của tỉnh; trong đó có cả những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời tri ân tới các liệt sĩ ngành KH và CN. Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KH và CN tỉnh, đội ngũ trí thức quê hương Nam Định đang công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở cả nước ngoài đã đóng góp công sức và trí tuệ cho ngành KH và CN tỉnh nhà. Tôi cũng xin ghi nhận sự phối hợp, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố, cùng các doanh nghiệp KH và CN, các viện, trường và tổ chức KH và CN để ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành của ngành KH và CN tỉnh, trước những yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, KH và CN nói riêng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số phát triển nhanh và mạnh hiện nay, cùng với sự cố gắng, nỗ lực đổi mới, vươn lên của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, tôi tha thiết kêu gọi các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý hãy đóng góp ít nhất một sáng kiến, một ý tưởng hoặc một hành động thiết thực để xây dựng và phát triển quê hương Nam Định. Đặc biệt, tôi hy vọng các trí thức trẻ phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, thế mạnh của tuổi trẻ, tích cực đóng góp, đưa ra những ý tưởng, đề xuất, tham gia tích cực vào phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của tỉnh.

 PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: Baonamdinh.vn

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Xây dựng nền khoa học và công nghệ thực sự là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững ::.