|
Sản xuất tơ, lụa tại làng nghề Cổ Chất, xã Phương Định. |
Nhớ lại lịch sử hình thành làng nghề Cổ Chất, bà Phạm Thị Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Lụa Cổ Chất không giấu được sự tự hào: Nghề dệt tơ lụa Cổ Chất có bề dày lịch sử, khởi đầu từ việc người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông. Trải qua nhiều thế kỷ, từ việc học hỏi, sáng tạo, người Cổ Chất đã du nhập nghề ươm tơ, dệt lụa, xây dựng, phát triển nên làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỷ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh, trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho Công ty Bông vải sợi Bắc Kỳ. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kỳ trước năm 1945. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về Kinh thành Thăng Long. Năm ấy, ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ.
Để góp phần gìn giữ và phát triển nghề tơ lụa truyền thống, một số hộ dân đã chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn se tơ, dệt lụa, cho năng suất và thu nhập cao hơn. Năm 2021, HTX Lụa Cổ Chất ra đời, quy tụ các nghệ nhân lành nghề, còn sử dụng kỹ thuật ươm tơ cổ truyền, đồng thời không ngừng nghiên cứu thị trường, tìm tòi, ứng dụng công nghệ hiện đại cho ra đời các sản phẩm lụa cao cấp. Lụa Cổ Chất hiện nay nổi bật nhờ sự tinh tế trong từng sợi tơ mảnh, mượt mà, bóng mượt, bền bỉ. Tơ thành phẩm được các thương lái đến thu mua, chuyển đi các vùng dệt lụa lân cận và phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài sản phẩm tơ, một số hộ trong làng đã sản xuất đa dạng các sản phẩm lụa như: vải lụa, khăn, nơ buộc tóc…
Dù có lịch sử lâu đời, làng nghề Cổ Chất cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trong thời kỳ hiện đại. Làng Cổ Chất hiện có 784 hộ dân sinh sống, làm việc nhưng chỉ có 27 cơ sở sản xuất tập trung để duy trì nghề sản xuất tơ với bình quân 10-20 người/cơ sở; lao động chủ yếu là người già nhưng những người nỗ lực theo nghề cũng vô cùng vất trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu lẫn thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân do diện tích trồng dâu đã bị thu hẹp; nguồn cung cấp kén chính (thôn Hợp Hòa) không còn nên các hộ phải nhập nguyên liệu kén từ các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng… kéo theo chi phí nguyên liệu tăng, quá trình vận chuyển kén bị dập nát cũng ảnh hưởng đến chất lượng tơ. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, giá điện sản xuất đều tăng trong khi sản phẩm tơ hiện nay khó tiêu thụ, phần vì giá thành nguyên liệu kén ngày càng cao và khan hiếm. Một nguyên nhân quan trọng nữa là sức cạnh tranh của tơ làng Cổ Chất không cao do chưa có thương hiệu riêng được bảo hộ…
|
Sản xuất tơ tại làng nghề Cổ Chất, xã Phương Định. |
Nhận thức được sự cấp thiết của việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề, từ tháng 5/2024, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với UBND xã Phương Định, HTX Lụa Cổ Chất thực hiện Dự án KH và CN “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tơ lụa Cổ Chất” cho sản phẩm dệt xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định”. Ban quản lý Dự án đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm ươm tơ, dệt vải để làm căn cứ đề xuất những giải pháp thiết thực phát triển sản phẩm; điều tra, đánh giá nhu cầu, mong muốn của người dân về hoạt động quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể Tơ lụa Cổ Chất; thu thập ý kiến về việc xây dựng hình ảnh biểu tượng cho nhãn hiệu tập thể. Qua đó, Dự án đã thiết kế mẫu nhãn hiệu tập thể gồm 2 phần hình và chữ “Tơ lụa Cổ Chất” mang nét đặc trưng của sản phẩm và địa phương nhằm đưa đến người tiêu dùng, khẳng định về nguồn gốc, chất lượng. Đây cũng là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ đăng ký và là yếu tố chính để quảng bá, phát triển thị trường; là căn cứ, cơ sở chống lại các hành vi vi phạm, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, Dự án cũng xây dựng quy chế quản lý, sử dụng; hoàn thiện hồ sơ, nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Tơ lụa Cổ Chất” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) chấp nhận hợp lệ với 4 nhóm sản phẩm và dịch vụ theo bảng phân loại hàng hóa, dịch vụ quốc tế theo thỏa ước Ni-xơ.
Hiện nay, Dự án đang tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Tơ lụa Cổ Chất” với các nội dung: xây dựng các quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm tơ lụa Cổ Chất, cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Tơ lụa Cổ Chất”… Đồng thời triển khai hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể “Tơ lụa Cổ Chất” thông qua việc tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức chung về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu tập thể; tổ chức quản lý và phát triển sản phẩm ươm tơ, dệt lụa mang nhãn hiệu tập thể hướng dẫn phát triển kênh thương mại, quảng bá và phát triển sản phẩm cho 100 lượt cán bộ địa phương, cán bộ quản lý và các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ trên địa bàn làng Cổ Chất. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ mang nhãn hiệu tập thể.
Thời gian tới, Dự án tiếp tục hỗ trợ quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm tơ lụa Cổ Chất mang nhãn hiệu tập thể như: thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho nhãn hiệu tập thể; thực hiện in ấn tờ rơi, sổ tay giới thiệu sản phẩm phục vụ cho việc quảng bá và phát triển thương hiệu cho sản phẩm; phát triển kênh thông tin thương mại quảng bá sản phẩm nhãn hiệu tập thể “Tơ lụa Cổ Chất” thông qua việc tham gia hội chợ trưng bày giới thiệu sản phẩm khu vực phía Bắc.
Trên toàn tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể nhưng chưa từng có làng nghề ươm tơ nào xây dựng thương hiệu trước đây. Việc thực hiện Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghệ Cổ Chất là giải pháp cấp thiết, không chỉ nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là một cách bảo tồn và phát huy tinh hoa, giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của tỉnh nói chung theo đúng tinh thần Kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh đã ban hành ngày 7/2/2023. Đây là hành trình đầy tiềm năng và cũng đầy thử thách đòi hỏi sự quyết tâm của các nghệ nhân và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Kỳ vọng rằng, cùng với nhãn hiệu được bảo hộ, làng nghề Cổ Chất sẽ tiếp tục phát triển, giữ vững giá trị truyền thống và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nghề thủ công Nam Định nói riêng, Việt Nam nói chung.
Nguồn: Baonamdinh.vn