Tạo cơ hội cho những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ 5, Ngày 11 / 07 / 2024

Thời gian qua, công tác xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được tỉnh quan tâm với nhiều cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù được ban hành. Các cuộc thi, lớp tập huấn, hội nghị về khởi nghiệp sáng tạo, chương trình đào tạo, ươm tạo, kết nối cố vấn được tổ chức thường xuyên đã tạo điều kiện cho nhiều dự án khởi nghiệp xâm nhập thị trường, phát triển sản phẩm.

Sản phẩm giấm mơ trà xanh của Công ty TNHH Nông sản Cô Tâm (thành phố Nam Định).
Sản phẩm giấm mơ trà xanh của Công ty TNHH Nông sản Cô Tâm (thành phố Nam Định).

Điển hình là Dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nhiệt phân xử lý rác thải nhựa thành nhiên liệu” của Công ty TNHH Chế tạo thiết bị phát triển công nghệ cao Tam Nguyên (thành phố Nam Định) đạt Top 3 Chương trình ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho thanh niên - SDGs Innovation Incubator 2023 và lọt vào Top 10 Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp quốc gia năm 2023. Anh Phạm Mai Anh, Giám đốc Công ty cho biết: Nhận thấy cơ hội có thể làm giàu từ việc xử lý, tái chế rác thải nhựa khi Việt Nam tham gia các cam kết quốc tế bảo vệ môi trường, cùng với kinh nghiệm và niềm đam mê công nghệ, tháng 11-2022, Công ty được thành lập. Công ty đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá, so sánh, chọn lọc, kế thừa các kết quả nghiên cứu trong, ngoài nước để thiết kế, chế tạo thành công và vận hành đạt hiệu suất ổn định hệ thống thiết bị nhiệt phân liên hoàn để xử lý rác thải nhựa thành nhiên liệu đốt (khí gas, dầu, than) với công suất 1 tấn/ngày có tính năng xử lý rác thải nhựa phù hợp với điều kiện rác thải của Việt Nam. Sau 12 tháng vận hành thực nghiệm và tiếp xúc, thăm dò nhu cầu khách hàng, so với thiết bị của nước ngoài, sản phẩm của Công ty có nhiều ưu điểm nổi bật như: chi phí nguyên liệu đầu vào là rác thải nhựa (giá trị âm) và sản phẩm đầu ra là nhiên liệu đốt (giá trị cao); toàn bộ quá trình tạo ra giá trị gia tăng được hình thành chủ yếu trong thời gian vận hành của thiết bị với suất vốn đầu tư không cao; chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp; hiệu quả kinh tế đạt trên 200%, thời gian thu hồi vốn nhanh (máy công suất 1 tấn/ngày sau 20 tháng cho thu hồi vốn; loại máy công suất 5 tấn/ngày sau 12 tháng cho thu hồi vốn); chỉ cần 1-2 nhân công với trình độ phổ thông là có thể vận hành thiết bị… Về môi trường, công nghệ này thay thế phương thức đốt rác thải nhựa đang gây ô nhiễm bằng công nghệ nhiệt phân không ô nhiễm - là những mô hình đầu tư đang được khuyến khích, phù hợp với xu hướng và yêu cầu của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Sản phẩm được tạo ra từ thiết bị nhiệt phân là nhiên liệu đốt có giá thành rẻ và có giá trị tương đương với nhiên liệu gốc dầu mỏ (có phiếu thử nghiệm chất lượng dầu FO tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quatest 1, Tổng cục Đo lường chất lượng) có thể thay thế dầu lò trong các nhà máy thép, nhà máy kính, nhà máy xi măng… và sử dụng cho xe tải, máy kéo, tàu, máy phát điện. Trong năm 2023, sản phẩm của Công ty đã tham gia các Hội chợ trình diễn công nghệ tại Techfest Nam Định, Techfest Hải Phòng, Techconnect Quảng Ninh; được kết nối nhiều phiên với một số doanh nghiệp của Nhật Bản và được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước tìm hiểu về sản phẩm.

Dự án “Chế phẩm từ ốc bươu vàng Ôbu” của  hợp tác xã (HTX) Thanh niên Nam Đại Dương (Nghĩa Hưng) được đánh giá là một sáng kiến có tiềm năng phát triển, góp phần mang lại lợi ích kinh tế và môi trường cho cộng đồng. Dự án Ôbu được HTX hợp tác với nông dân sử dụng bả mồi từ phụ phẩm nông nghiệp dẫn dụ ốc bươu vàng (là loài sinh vật xâm lấn, gây hại cho cây trồng và môi trường) tập trung để thu gom. Sau đó, sử dụng công nghệ cao để thủy phân ốc bươu vàng thành dịch dinh dưỡng chất lượng phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Qua đó vừa giảm thiểu số lượng ốc bươu vàng trong tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi. Đây là 1 trong 37 dự án lọt vào chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh 2023 và 1 trong 2 dự án của tỉnh tham dự Chương trình SDGs Innovation Incubator 2023. Trước đó, HTX đã có nhiều sáng kiến độc đáo ứng dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tiêu biểu là Dự án “Hạt giống nảy mầm siêu tốc” đạt Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021…

Ngoài các mô hình trên, trên địa bàn còn một số dự án, ý tưởng khởi nghiệp đáng kể khác như: Dự án “Phát triển giấm mơ trà xanh ở làng Bách Cốc cổ” của Công ty TNHH Nông sản Cô Tâm (thành phố Nam Định), Dự án “Nghiên cứu chế biến các sản phẩm đồ uống có nguồn gốc tự nhiên” của Công ty TNHH Green & Book Abassadors (Xuân Trường)… Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đang được hình thành và là một trong những trọng tâm chỉ đạo của tỉnh nhằm tăng hàm lượng chất xám - khoa học công nghệ cho nền kinh tế. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025” với những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể. Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, tập huấn dành cho nhiều nhóm đối tượng như: hội thảo, tập huấn “Tư vấn hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp”; hội thảo “Sinh viên với hành trình  khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0”; hội thảo “Một số giải pháp để hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định”; tập huấn “Phương pháp viết dự án khởi nghiệp; kỹ năng trình bày mô hình kinh doanh”… Đặc biệt là tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho gần 30 người, đây là những thành phần chính trong việc tham mưu, tư vấn vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số rào cản, khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển cần được quan tâm để khắc phục, tháo gỡ. Do hạn chế nguồn lực về vốn, nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể hiện thực hóa; nhiều đề án, dự án triển khai dở dang, sản phẩm chưa được thương mại hóa. Một số hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ mang tính thời điểm. Các tổ chức hỗ trợ ngày càng nhiều nhưng chất lượng không tương xứng. Mạng lưới hỗ trợ đôi khi chưa làm được vai trò kết nối được dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư để biến ý tưởng thành hiện thực.

Để tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, tạo lập môi trường tương tác, chính sách ươm mầm phát triển khởi nghiệp. Tăng cường tư vấn về bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tiếp cận thông tin; trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành, xây dựng thương hiệu cho đối tượng có nhu cầu khởi nghiệp. Đẩy mạnh kết nối giữa tổ chức, cá nhân làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp với mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao cơ hội tiếp thu tri thức mới về khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng./.

Nguồn: Baonamdinh.vn

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Tạo cơ hội cho những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ::.