Kinh nghiệm xây dựng đài truyền thanh thông minh ở Trực Ninh

Thứ 2, Ngày 14 / 10 / 2024

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND huyện Trực Ninh về Phát triển thông tin cơ sở (TTCS) huyện giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đã ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) hệ thống phát thanh, truyền thanh. Đến hết năm 2023, huyện đã hoàn tất xây dựng đài truyền thanh thông minh ở 100% xã, thị trấn, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình CĐS của toàn huyện.

 
Kỹ thuật viên Viettel Nam Định (người đứng) hướng dẫn nhân viên phụ trách Đài truyền thanh thông minh xã Trực Cường sử dụng hệ thống truyền thanh trên nền tảng số.
Kỹ thuật viên Viettel Nam Định (người đứng) hướng dẫn nhân viên phụ trách Đài truyền thanh thông minh xã Trực Cường sử dụng hệ thống truyền thanh trên nền tảng số.

Bám sát Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 23/12/2021 của UBND tỉnh về phát triển TTCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tình hình thực tế địa phương, Kế hoạch phát triển hệ thống TTCS giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện Trực Ninh để hướng đến mục tiêu hiện đại hóa, đổi mới phương thức cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu của các xã, thị trấn trên địa bàn, với nhiều chỉ tiêu như: Đến năm 2025, toàn bộ 21/21 xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT); đến năm 2030 sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. Ban đầu, huyện định hướng tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới TTCS và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS. Trong đó nhiệm vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới TTCS với mục tiêu đến năm 2025, huyện và 100% số xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tới tất cả các cụm loa; có bảng tin điện tử công cộng được kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh. Sử dụng công nghệ AI kết hợp Big Data trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. Tuy nhiên khi đối chiếu với thực tế thì để hoàn thiện mục tiêu này phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn và phải có lộ trình chuyển đổi phù hợp để đáp ứng yêu cầu của công tác TTCS.

Do vậy, căn cứ vào tình hình thực trạng hệ thống phát thanh, truyền thanh hiện có, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện đã chọn triển khai CĐS một phần, kết hợp giữa truyền thanh thông minh với hệ thống truyền thanh truyền thống; truyền thanh thông minh được thực hiện trong phạm vi Đài Phát thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn, còn hệ thống loa, dây cáp vẫn được sử dụng theo phương thức truyền thống. Huyện tiến hành thử nghiệm thiết bị và lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh cho Đài Phát thanh huyện và 2 xã, thị trấn trên địa bàn để rút kinh nghiệm và có cơ sở để lựa chọn đơn vị cung ứng thiết bị phù hợp nhất. Sau 2 tháng thử nghiệm, kết quả thiết bị và công nghệ CĐS hoạt động ổn định, chất lượng âm thanh to, rõ ràng, trung thực; cán bộ Đài không phải trực như trước mà cài đặt hệ thống đóng, mở điều khiển tự động từ xa và áp dụng công nghệ AI chuyển đổi văn bản sang giọng nói; đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn TTCS. Với cách làm này, chi phí đầu tư truyền thanh có dây (hữu tuyến) là 57 triệu đồng/xã; phát sóng FM (vô tuyến) là 62 triệu đồng/xã. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn đầu của toàn huyện khoảng 1,3 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với phương án đầu tư trước đó. UBND huyện cũng ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư cho mỗi xã, thị trấn bộ thiết bị phát trung tâm và 1 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Ngay từ đầu quý IV-2022, huyện đã đầu tư đưa vào thử nghiệm lắp đặt thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung đa phương tiện cho Đài Phát thanh huyện, Đài truyền thanh thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Tuấn. Sau khi thí điểm thành công, Đài Trung tâm huyện và 21/21 đài truyền thanh xã, thị trấn đã hoàn thành lắp đặt thiết bị truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Cách làm này đã khuyến khích được các xã, thị trấn đầu tư thêm kinh phí để hoàn thiện nốt các cụm loa thông minh đến từng thôn, xóm. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 7 xã đã phát triển thêm các cụm thu thông minh lắp đặt tại các thôn, xóm, tổ dân phố với tổng số trên 100 loa. Với quyết tâm cao và cách làm sáng tạo trong xây dựng đài truyền thanh thông minh, huyện Trực Ninh đã được Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những huyện đi đầu toàn tỉnh trong việc CĐS hệ thống phát thanh, truyền thanh và được nhiều đơn vị đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện vừa rà soát, sắp xếp nhân lực làm công tác TTCS. Trong đó Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện quản lý sử dụng thiết bị kỹ thuật số; tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện cung cấp cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện truyền thông khác. Đối với các xã, thị trấn bố trí công chức văn hóa - xã hội kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống TTCS. 100% cán bộ làm công tác TTCS được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để khai thác biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, vận hành quản lý kỹ thuật hệ thống đài truyền thanh thông minh; kỹ năng về sử dụng CNTT, công nghệ số để quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin. Đến nay, hệ thống TTCS của huyện đã được vận hành trơn tru, đảm bảo đúng theo quy định và tiết giảm tối đa thời gian, công sức của người lao động cũng như dễ dàng sản xuất chương trình, ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận.

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, hiện tại việc hiện đại hóa hệ thống TTCS của Trực Ninh còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh đến các cụm loa ở khu dân cư lớn, kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên cũng cao hơn nhiều lần so với hệ thống truyền thanh có dây. Hơn nữa việc ứng dụng công nghệ AI kết hợp với Big Data trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói khó có thể thực hiện được khi hầu hết các nhân viên phụ trách đài phát thanh các xã, thị trấn đều cao tuổi, khó thực hiện các kỹ thuật vi tính cần độ chính xác cao.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng đài truyền thanh thông minh, đảm bảo tiến độ đầu tư hệ thống TTCS, thời gian tới huyện Trực Ninh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của việc đưa CNTT vào thực hiện công tác TTCS; khuyến khích xã hội hóa công tác đầu tư cho hệ thống đài truyền thanh thông minh; tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống truyền thanh thông minh theo hướng tận dụng tối đa thiết bị cũ, chỉ đầu tư những thiết bị thật cần thiết; hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động cân đối ngân sách, dành kinh phí CĐS ở những cụm loa xuống cấp nghiêm trọng sang cụm loa ứng dụng CNTT-VT. Các xã, thị trấn bố trí nhân lực có trình độ CNTT phụ trách đài truyền thanh để khai thác các ứng dụng nền tảng số, nhất là công nghệ AI chuyển văn bản thành giọng nói để hoàn thiện mục tiêu số hóa cơ sở dữ liệu TTCS.

Nguồn: Baonamdinh.vn

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Kinh nghiệm xây dựng đài truyền thanh thông minh ở Trực Ninh ::.