|
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Nghĩa Hưng quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện qua bản đồ được số hoá. |
Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý 67 cống tưới, tiêu dưới đê nằm trên sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ và đê biển; 101 đập tưới, tiêu cấp 1; 688 cống, đập cấp 2; 42 trạm bơm điện cố định có công suất từ 540-3.750m3/h; 73 kênh cấp 1 và cửa cống; 491 kênh cấp 2… Hiện tại, Công ty thực hiện nhiệm vụ cấp nước cho trên 10 nghìn ha trồng lúa, gần 1.500ha rau màu, cây vụ đông, gần 1.600ha nuôi trồng thuỷ sản, 53ha làm muối. Đồng thời, tiêu thoát nước gần 6.000ha dân sinh ở khu vực nông thôn, đô thị và phòng chống lụt bão. Với số lượng công trình trên địa bàn rất lớn, việc quản lý, lưu trữ, truy cập, cập nhật tài liệu công trình của hệ thống gặp rất nhiều khó khăn. Trước thách thức đó, Công ty đã tiên phong ứng dụng KHCN và chuyển đổi số để chuyển đổi các hoạt động quản lý truyền thống (dưới dạng văn bản giấy) sang mô hình quản lý số, quản lý trên phần mềm. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng bản đồ trực tuyến hệ thống CTTL Nghĩa Hưng trên nền tảng Google Maps. Bản đồ này tích hợp đầy đủ thông tin, từ tên công trình, vị trí xây dựng, hình ảnh công trình, năm xây dựng, năm hoàn thành, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn, các đơn vị thi công, đơn vị quản lý, nhiệm vụ công trình đến diện tích tưới tiêu.
Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp hệ thống CTTL trở nên thuận lợi, chính xác và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, bản đồ trực tuyến cho phép Công ty dự báo được tình hình ngập úng để điều hành tưới, tiêu nước linh hoạt, hợp lý, tiết kiệm. Hiệu quả thấy rõ khi huyện Nghĩa Hưng hạn chế được diện tích ngập úng, giảm đáng kể kinh phí bơm tiêu, năng suất cây trồng và con nuôi thuỷ sản được nâng lên, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ của Công ty KTCTTL Nghĩa Hưng là giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, cải tiến, chế tạo hệ thống tự động hóa quá trình nâng hạ cánh cống thủy lợi thuộc hệ thống thủy nông Nghĩa Hưng”.
Đồng chí Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Công ty, tác giả giải pháp cho biết: Hệ thống CTTL, sông ngòi trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng được phân bố tương đối đồng đều, các cống đầu mối được trải đều trên các triền đê, sông và đê biển có nhiệm vụ điều tiết nước, ngăn mặn, thoát lũ nên việc nâng hạ cánh van đóng, mở cống đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, việc đóng, mở các cống vừa và nhỏ hoàn toàn thực hiện thủ công, mỗi lần quay cống cần 1-2 người, cống lớn có khi cần đến 4 người vận hành liên tục trong khoảng 30-40 phút. Với số lượng công trình hiện tại của hệ thống, mỗi công nhân viên phải phụ trách từ 5-8 công trình, mặt đóng mở cống hệ thống phải vận hành đồng thời cùng 1 thời điểm nên việc điều tiết nước gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi nghiên cứu, chế tạo thành công, thiết bị tự động nâng hạ cánh van được áp dụng tại các cống Bình Hải 1-9, cống Bình Hải 1-11a, cống Bình Hải 1-11b đã thể hiện được các ưu điểm như: giảm bớt sức người, số lượng người cho công đoạn đóng/mở cống; nâng cao hiệu quả sử dụng và tận dụng tối đa nguồn nước; nâng cao độ tin cậy, tuổi thọ, tính an toàn của công trình cống, đập… Đây là giải pháp lần đầu tiên thực hiện tại Nam Định, có tính sáng tạo về công nghệ, trong kết cấu, mang tính kết hợp kỹ thuật của các ngành và đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX năm 2022-2023.
Bên cạnh đó, năm 2024 Công ty đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng KHCN trong tự động hóa đo độ mặn và mực nước tại hệ thống thủy lợi huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định”. Kết quả của Đề tài là đã xây dựng được 2 hệ thống quan trắc tự động mực nước và độ mặn. Việc 2 trạm đo đi vào hoạt động giúp huyện có được thông tin quan trắc chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả tưới, tiêu trong nông nghiệp; xử lý chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt dân sinh. Từ đó giúp các hộ dân, hợp tác xã yên tâm lấy nước tưới đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả đo đạc quan trắc tự động độ mặn và mực nước còn là cơ sở khoa học và thực tiễn để chỉ đạo điều hành, kiểm tra giám sát việc thực hiện điều hành tưới, tiêu nước của đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn huyện, giảm nhẹ thiệt hai do thiên tai.
Song song với các giải pháp công nghệ, Công ty KTCTTL Nghĩa Hưng phối hợp với các địa phương triển khai chiến dịch thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, cải tạo, nâng cấp hệ thống CTTL. Tính đến đầu tháng 12, Công ty đã nạo vét, đào đắp 37 công trình kênh cấp 1, kênh cấp 2, cửa cống với khối lượng trên 60 nghìn m3 đất, đạt 80% kế hoạch; sửa chữa 50/53 công trình cống dưới đê, cống đập cấp 1, cống đập cấp 2 nội đồng. Các địa phương cũng tích cực nạo vét, đào đắp trên 70 nghìn m3 đất ở các kênh cấp 3; xây mới 30/55 cống cấp 3 và sửa chữa 90/161 cống cấp 3…, đảm bảo hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi nội đồng trước ngày 31/12/2024 để lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ xuân năm 2025.
Nhờ tích cực ứng dụng KHCN, công nghệ số vào quản lý khai thác, đổi mới công tác vận hành công trình, giám sát mực nước, chất lượng nước đầu nguồn… công tác điều tiết tưới, tiêu nước nước ở huyện Nghĩa Hưng đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Các giải pháp sáng tạo không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân mà còn góp phần xây dựng một hệ thống thủy lợi hiện đại, bền vững, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu.
Nguồn: Baonamdinh.vn