Đột phá phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số (kỳ I)

Thứ 6, Ngày 06 / 12 / 2024

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra một trong những giải pháp để thực hiện thành công lộ trình CĐS là phát triển nguồn nhân lực số (NLS). Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược CĐS toàn diện của tỉnh. Với tinh thần tập trung mọi nguồn lực, khắc phục khó khăn, ưu tiên phát triển NLS nên chỉ trong vòng 3 năm, nguồn NLS của tỉnh đã tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định tới việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TU cũng như việc giữ vững vị trí tốp dẫn đầu toàn quốc ở nhiều chỉ số thành phần về CĐS.

 

 

Kỳ I: Thực trạng nguồn nhân lực số

 

“Vạn sự khởi đầu nan”

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu nguồn NLS phải có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình làm việc; có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và tiến bộ khoa học và công nghệ mới; có tác phong kỷ luật, đạo đức trong công việc và có khả năng tư duy đột phá, tính sáng tạo. Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ số không giống như nhiều ngành nghề khác, không đơn giản. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, nguồn NLS trong các cơ quan chức năng của tỉnh chỉ có 85 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT); 50 cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin và 3.300 công chức, viên chức sử dụng các phần mềm mã nguồn mở thông dụng trong công việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước. Con số này quá “khiêm tốn” so với nhiệm vụ CĐS mà Nghị quyết 09-NQ/TU đặt ra cũng như yêu cầu đang ngày càng cao về nhân lực phụ trách điều hành, quản lý, vận hành và ứng dụng các thành tựu của công cuộc CĐS.

Cán bộ Sở Xây dựng hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.
Cán bộ Sở Xây dựng hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.

Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT và TT cho biết: Thời điểm năm 2021, nguồn NLS của tỉnh mới chỉ đạt 3/13 chỉ tiêu theo yêu cầu của Bộ TT và TT. Như vậy nguồn NLS còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu tổ chức, bố trí NLS chưa đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương. Một số đơn vị, địa phương chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về CNTT, CĐS và thiếu nhân lực về an toàn thông tin, chưa đáp ứng được sự đổi mới liên tục của công nghệ. Trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ CĐS cao; phổ rộng ở tất cả các ngành, các lĩnh vực; nhu cầu cần hỗ trợ của người dân về CĐS lại rất lớn.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do công chức, viên chức phụ trách CNTT, CĐS tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa tập trung cao độ cho triển khai nhiệm vụ CĐS, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hơn nữa, từ nhiều năm trước có tình trạng dịch chuyển nguồn NLS là cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn về CNTT từ các cơ quan Nhà nước sang khu vực doanh nghiệp. Do đó, nguồn nhân lực vốn đã thiếu, lại tiếp tục hao hụt, là một khó khăn lớn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt đối với những lĩnh vực yêu cầu nhân lực có chuyên môn sâu như an toàn thông tin, thiết kế phần mềm… lại càng khó khăn. Đây cũng chính là thách thức mà tỉnh phải nhanh chóng vượt qua mới có thể thực hiện được các mục tiêu trong lộ trình CĐS. 

 

Nỗ lực phát triển nguồn nhân lực số

 

Nguồn NLS thiếu và yếu cũng là thực trạng chung của hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Trên cơ sở kết quả rà soát, tham mưu của ngành chức năng, tỉnh đã thẳng thắn nhận diện rõ yếu điểm để chỉ đạo nhanh chóng tìm cách khắc phục; biến hạn chế thành cơ hội để tạo ra thế mạnh mới trong lộ trình thực hiện CĐS. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện CĐS; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã tập trung thực hiện song song hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo “diện rộng”, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp và phát triển nhanh Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) làm nòng cốt, hạt nhân tại cơ sở để thúc đẩy xây dựng công dân số.

Cán bộ Trung tâm giao dịch hành chính huyện Giao Thủy tập huấn kỹ năng số cho cán bộ công chức xã Giao Long.
Cán bộ Trung tâm giao dịch hành chính huyện Giao Thủy tập huấn kỹ năng số cho cán bộ công chức xã Giao Long.

Là cơ quan thường trực của tỉnh trong lĩnh vực CĐS, Sở TT và TT phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ TT và TT tổ chức phổ biến kiến thức, đào tạo kỹ năng số; trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật theo cách cầm tay chỉ việc. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật từ xa 24/7 cho các cán bộ trực tiếp phụ trách CĐS, giải quyết thủ tục hành chính ở các địa phương, đơn vị thông qua những nền tảng trực tuyến. Từ năm 2022 đến nay, 100% cán bộ, công chức trong toàn tỉnh đã được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cơ bản và theo các chuyên đề trong các lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường. Đối với người dân, Sở TT và TT tổ chức tuyên truyền về chủ trương CĐS, tập huấn kỹ năng số gắn với việc thực hiện các tiêu chí về TT và TT trong xây dựng nông thôn mới tại hầu hết các xã, thị trấn. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh thành lập 2.160 Tổ CNSCĐ ở 100% xã, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn với tổng số trên 16 nghìn thành viên. Đây là lực lượng trực tiếp đến từng hộ gia đình “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Bên cạnh nguồn lực tại chỗ, Sở TT và TT huy động hơn 200 cán bộ, nhân viên chuyên trách của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tham gia hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút nhân lực CNTT, tăng cường mối quan hệ, hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông (VNPT, Viettel, FPT) trong việc hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực CNTT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng đào tạo và thuê nhân sự CNTT trong giai đoạn chưa bố trí đủ nhân lực theo nhu cầu để đáp ứng yêu cầu công việc.

Cùng với việc tập trung đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phổ cập kỹ năng số cho người dân, các sở, ngành, địa phương còn chú trọng đến việc lựa chọn những cán bộ trẻ có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT làm hạt nhân làm nòng cốt cho việc CĐS ở đơn vị mình và lan tỏa nhiệt huyết, kinh nghiệm CĐS cho tập thể. Tại huyện Xuân Trường, để thúc đẩy quá trình CĐS nhanh chóng, hiệu quả, tháng 3/2023, UBND huyện đã trưng tập thầy giáo Đặng Hồng Trường, giáo viên môn Tin học của Trường Tiểu học Xuân Hồng về Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phụ trách lĩnh vực CNTT và phục vụ nhiệm vụ CĐS của huyện. Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, anh Hồng không chỉ bao quát công việc, kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, đôn đốc các phòng, ban chuyên môn và các địa phương sớm triển khai nhiệm vụ CĐS của địa phương, tham mưu tổ chức nhiều chương trình thúc đẩy CĐS của toàn huyện như xây dựng hệ thống chợ 4.0 trên phạm vi toàn huyện; sử dụng mã QR đánh giá sự hài lòng của người dân khi giao dịch hành chính tại bộ phận “một cửa” của huyện và các xã, thị trấn; xây dựng hệ thống đôn đốc công việc áp dụng trên quy mô toàn huyện. Tại huyện Giao Thủy, ngoài cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phụ trách CĐS, Văn phòng UBND huyện cũng cử 1 cán bộ mới chuyển từ UBND thành phố Nam Định (đã có kinh nghiệm về CĐS) làm chuyên trách nhiệm vụ CĐS ở bộ phận “một cửa” huyện; hỗ trợ nhiệm vụ CĐS cho cán bộ tại bộ phận “một cửa” cấp huyện và các xã, thị trấn. Đồng thời công khai số điện thoại cá nhân của cán bộ phụ trách CĐS để cán bộ văn phòng các xã, thị trấn, người dân trực tiếp liên hệ hỏi đáp công việc liên quan đến kỹ thuật, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Vụ Bản đều tiến hành luân chuyển cán bộ, chọn hạt nhân có thế mạnh CNTT, am hiểu về CĐS phụ trách các nhiệm vụ CĐS của toàn huyện.

Theo Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022) về  “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, một số mục tiêu phát triển nguồn NLS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh đặt ra là: Đến năm 2025, tất cả lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về CĐS; Mọi người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CĐS trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đến năm 2030, 90% dân số trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số thiết yếu; 80% cơ sở giáo dục các cấp tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số; Tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong tỉnh tham gia mô hình “Giáo dục đại học số”; Phấn đấu 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia; Đào tạo, bồi dưỡng tối thiểu 20 chuyên gia CĐS.

 

(còn nữa) 
Nguồn: Baonamdinh.vn

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Đột phá phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số (kỳ I) ::.