Chủ động các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thứ 2, Ngày 20 / 01 / 2025

Năm 2024, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực

 Năm 2024, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xử lý 1.482 vụ, việc vi phạm, nộp vào ngân sách Nhà nước gần 84 tỷ đồng: trong đó phạt hành chính trên 24,588 tỷ đồng; truy thu thuế, thu lời bất hợp pháp trên 58,673 tỷ đồng; hàng tịch thu chưa thanh lý trị giá trên 1 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu đạt trên 735 triệu đồng, góp phần bình ổn thị trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Lực lượng chức năng phối hợp  kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Đồng chí Lê Quang Tú, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm... vẫn tiếp tục diễn ra. Các tổ chức, cá nhân lập và sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội, như: Zalo, facebook, tikTok... Đa số đối tượng kinh doanh không có địa điểm và kho hàng cố định mà chỉ thông qua các website, trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng, giao hàng qua các đơn vị chuyển phát hoặc các shipper và thanh toán trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thỏa thuận. Một số đối tượng có địa điểm kinh doanh và kho hàng ngoài địa bàn tỉnh. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian. Ngoài hoạt động mua bán trên mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân đã thiết lập website để quảng bá, giao dịch trên các website này.

Trong năm 2024 lực lượng QLTT đã triển khai thành công chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trong kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử với việc kiểm tra ngẫu nhiên 7 vụ việc; đã xử lý 6 vụ việc, thu giữ hàng nghìn loại hàng hóa vi phạm và phạt vi phạm hành chính gần 100 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: Trưng bày hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Hàng hóa vi phạm tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử, thời trang... Để có được kết quả này, lực lượng Quản lý thị trường đã phải phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); lực lượng Công an xây dựng kế hoạch điều tra, trinh sát và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới phát hiện; thu thập chứng cứ và xác minh tình trạng của các website bán hàng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả còn gặp không ít khó khăn: Lực lượng chức năng chưa đủ nhân sự và trang, thiết bị để kiểm soát toàn diện các hành vi vi phạm, nhất là trên không gian mạng. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, sử dụng công nghệ để che giấu hành vi, khiến việc truy vết gặp nhiều trở ngại; đối tượng thực hiện khóa website, cho website ngừng hoạt động khi lực lượng QLTT đang tiến hành kiểm tra, một số đối tượng cố tình không thừa nhận mình là chủ sở hữu website hoặc việc lập website là do nhân viên của mình tự ý làm không liên quan đến chủ cơ sở... Nhiều người dân chưa đủ khả năng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng, vô tình tiếp tay cho các hành vi gian lận.

Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Các lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh Nam Định và các bộ, ngành về công tác chống GLTM. Tăng cường phối hợp nắm tình hình địa bàn, đẩy mạnh trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức nắm chắc tình hình, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả; chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp các lực lượng, đơn vị, địa phương; có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, đánh trúng, đánh đúng các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, GLTM và hàng giả. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để theo dõi phát hiện những hành vi vi phạm trong công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, nhất là trên không gian mạng, nền tảng số. Thường xuyên rà soát những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chính sách, pháp luật liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở, chồng chéo. Phân công trách nhiệm quản lý tuyến, địa bàn, lĩnh vực, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu để không xảy ra vi phạm nghiêm trọng, tăng cường thanh tra công vụ phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, GLTM và hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Nguồn: Baonamdinh.vn

Bản đồ hành chính Nam Định

Website liên kết

.:: Chủ động các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ::.