09/11/2023
Chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động báo chí địa phương
Thực hiện chương trình Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh và của Bộ Thông tin và Truyền thông, đáp ứng xu thế CĐS rầm rộ và toàn diện trên các lĩnh vực, thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thích ứng linh hoạt, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp, đổi mới cải thiện quy trình sản xuất, sáng tạo những sản phẩm báo chí có chất lượng, đáp ứng yêu cầu bạn đọc.
Trên địa bàn tỉnh ngoài 2 cơ quan báo chí địa phương gồm: Báo Nam Định và Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, còn nhiều văn phòng đại diện và thường trú của báo Trung ương, các kênh truyền thông mạng xã hội... nên việc cạnh tranh cung cấp thông tin đến cho bạn đọc nhanh, hay, đúng rất quyết liệt, đòi hỏi báo chí địa phương phải chuyển đổi số nhanh. Các cơ quan báo chí địa phương đã bám sát định hướng của tỉnh, thông tin kịp thời, chính xác các sự kiện, vấn đề thời sự trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... đáp ứng nhu cầu độc giả, người dân được tiếp cận thông tin trên môi trường số mọi lúc, mọi nơi. Trong đó Báo Nam Định đã từng bước đưa vào vận hành hệ thống tòa soạn điện tử, hướng đến tòa soạn không bản thảo giấy. Thông tin, dữ liệu được chuyển về tòa soạn và xử lý qua các khâu biên tập, chế bản trên hệ thống phần mềm có hiển thị rõ ngày, giờ phóng viên nộp, nội dung biên tập qua từng khâu, công tác xử lý sản phẩm cho từng loại hình báo chí như báo in, báo điện tử, tin truyền hình… một cách rõ ràng, minh bạch. Báo Nam Định điện tử đã thay đổi, nâng cấp giao diện với nội dung, hình thức hiện đại, thân thiện với bạn đọc; mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục mới gắn với CĐS như Multimedia với “Góc ảnh”, “video”, “Infographic”, “E-magazine” phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bước đầu đáp ứng yêu cầu CĐS báo chí hiện nay. Bên cạnh đó, Báo Nam Định cũng tăng cường công tác đào tạo, rèn luyện đội ngũ phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu CĐS báo chí. Đến nay, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Nam Định đã biết sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ số để sản xuất các sản phẩm báo chí khác nhau nhằm đưa đến bạn đọc các sản phẩm báo chí đa dạng với nhiều loại hình (ảnh, media, video,...) giúp bạn đọc có thể tiếp cận cập nhật thông tin mọi nơi, mọi lúc bằng nhiều cách, phát huy tối đa sức mạnh của các loại hình truyền thông... Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã khai thác khá hiệu quả internet và mạng xã hội để nối dài cánh sóng, chuyển tải thông tin nhanh nhất đến khán, thính giả, độc giả; đã nỗ lực xây dựng, quản lý và cập nhật kho nội dung các chương trình của Đài trên nền tảng và vận hành hệ thống thiết bị, phần mềm truyền thông hội tụ. Cùng với 2 cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng nỗ lực CĐS, xây dựng đài truyền thanh thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông để vận hành và sản xuất chương trình truyền thanh trên nền tảng công nghệ 4.0, số hóa các chương trình truyền thanh thay thế cho hệ thống truyền thanh không dây trước đây.
Để tiếp sức cho các cơ quan báo chí địa phương trong quá trình CĐS, ngày 28-8-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về thực hiện Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nhiệm vụ đặt ra nhằm hướng tới xây dựng các cơ quan báo chí trong tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Mục tiêu đến năm 2025 có 50% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; tăng doanh thu tối thiểu 20%. 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS báo chí; 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên. Đến năm 2030, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh sẽ đạt 100% các mục tiêu nêu trên. Hệ thống truyền thanh cơ sở trong giai đoạn 2021-2025 đầu tư, chuyển đổi từ 40-50% số đài truyền thanh không dây, có dây FM cấp xã sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông, trong đó ưu tiên đầu tư mới những đài đã xuống cấp và đài hoạt động không đúng băng tần 54-68MHz được quy hoạch cho truyền thanh không dây. Giai đoạn 2025-2030 sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, chọn lọc thông tin, phục vụ sản xuất nội dung chương trình phát thanh, lưu trữ và quản lý nội dung, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền. Đến năm 2030, phấn đấu 100% đài truyền thanh các xã được đầu tư, chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông.
Trên cơ sở định hướng CĐS báo chí của UBND tỉnh, các cơ quan báo chí và quản lý Nhà nước về báo chí tích cực thực hiện nhiều giải pháp CĐS. Trong đó, lưu ý đến các nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; cơ quan chủ quản; lãnh đạo cơ quan báo chí; đội ngũ những người làm báo về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh CĐS báo chí đồng bộ với chương trình CĐS quốc gia, CĐS của tỉnh. Biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình CĐS báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng. Các cơ quan báo chí nỗ lực phát triển các sản phẩm báo chí số chất lượng cao thông qua thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác, phân phối thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu độc giả. Xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung. Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng các nền tảng số cho báo chí để phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí, thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí. Xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phóng viên, biên tập viên, đội ngũ kỹ thuật cơ quan báo chí. Đồng thời chủ động tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm của các địa phương có báo chí số phát triển mạnh.
Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức rà soát, góp ý, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí và lĩnh vực có liên quan nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình CĐS của các cơ quan báo chí trong tỉnh. Đồng thời sẵn sàng kết nối các cơ quan báo chí với Trung tâm hỗ trợ CĐS báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) để hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành CĐS; kết nối, tập hợp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín, các lãnh đạo của các cơ quan báo chí lớn có vai trò dẫn dắt để cùng giải quyết những vấn đề mà công cuộc CĐS báo chí đặt ra./.
Nguồn: https://chuyendoiso.namdinh.gov.vn/
|
|
-
Đang online:
1
-
Hôm nay:
1
-
Trong tuần:
1
-
Tất cả:
1
|
|